Từ khi nghe đĩa nhạc rock năm 13 tuổi, ông đã nguyện trở thành tín đồ của rock. Cuộc đời, con người, số phận… biết bao thay đổi, nhưng sự đam mê bất tận của ông Phạm Trường Vinh lúc nào cũng nguyên vẹn, đầy ắp và sống động.
Bài nhạc đầu tiên bén duyên cho ông Vinh với rock khi còn học lớp đệ lục là của Eric Clapton. Những âm thanh rộn rã, sôi nổi đã làm cậu học trò cảm thấy bị lôi cuốn vào thế giới âm thanh mới lạ khác hẳn với thế giới nhạc của những người trong gia đình đang nghe.
SỰ ĐAM MÊ
Sài Gòn những năm 1963- 1965, nhạc rock, pop- rock bắt đầu phát triển, các chàng trai, cô gái mê rock lúc đó thường đến các quán bar Rizt, Queen Bee… để đắm chìm trong giai điệu âm thanh sôi động vào chiều thứ bảy. Đỉnh cao là liên hoan nhạc rock tổ chức tại Thảo cầm viên và sân vận động Hoa Lư và Phạm Trường Vinh, học sinh trường Lasan Đà Lạt đã làm cuộc hành trình “vượt rào” để được dự liên hoan khi mới 16 tuổi.
Thời đó, đĩa rock ít có bán ở các cửa hàng hay nhà sách, những dân ghiền thường tụ tập thành nhóm, trao đổi đĩa cho nhau. Trường Vinh kể: “Thích nhất là những ngày cuối tuần, tụ tập một nhóm những tay có sở thích giống mình, ai có đĩa mới thì đem đến, mở lên để cả bọn cùng nghe, bàn luận rôm rả”. Cậu học trò nhỏ này cảm thấy hạnh phúc khi có môt chiếc đĩa mới, tự tay mình bóc tem, mùi nhựa còn hăng hắc và đặt đĩa vào máy nghe tiếng trống, tiếng ghita, tiếng bass sôi lên. Trong 12 dòng chính thống của nhạc rock như metal, acid, thrash, hard…, ông Vinh nghe qua tất cả, tìm tòi những nét khác biệt, thu thập sách, báo, tạp chí âm nhạc nước ngòai để tăng thêm hiểu biết, dù vậy ông chỉ ghiền mỗi hard rock.
CHẤP NHẬN GIÁ CAO
Đĩa nhạc phono đầu tiên ông Vinh sở hữu khi còn đi học là của Van Halen Balance và mua với giá: đổi cây bút máy Parker để lấy đĩa nhạc. Chiếc Vespa mới cáu nhập từ Ý đưa về cảng Sài Gòn, người cha tặng cho con trai thì sau đó Trường Vinh đã đổi nó để có được những đĩa nhạc mới nhất. Ngay cả khi cha ông quyết định đưa con sang Đức du học thì Vinh cũng trốn giờ lên máy bay để đến cuộc hẹn nghe nhạc với nhóm bạn. Đến năm 1975, ông đã sưu tập được cho mình trên 500 đĩa phono và hàng ngàn đĩa, băng cassette… chuyên về hard rock.
Dừng một chặng đường dài, đến khoảng 1985 các đĩa nhạc từ nước ngoài mới bắt đầu xuất hiện lại trên thị trường “chợ đen” với số lượng rất ít và muốn mua phải quen biết, đặt trước. Ông Vinh lại có cơ hội thỏa cơn ghiền nhạc của mình, nhưng phải trả với giá khá đắt: 22- 28 USD/đĩa. Đến năm 1994, chợ đĩa nhạc Huỳnh Thúc Kháng mới rộ các lọai đĩa gốc giá khoảng 200 – 500.000đ/đĩa, đĩa nhái giá 60.000đ/đĩa. Vợ ông Vinh kể: “Thời đó, ảnh mua một đĩa nhạc bằng lương người ta đi làm cả tháng. Nhưng người đã mê rồi thì làm sao mà cản được”. Số lượng đĩa CD, VCD, DVD nhạc rock của ông Vinh nay cũng đã lên tới cả ngàn.
ĐAM MÊ VÀ CUỘC SỐNG
Ở Tuổi 55, ông cùng các con du ngoạn rừng Nam Các Tiên sau đó có chuyến tham quan cao nguyên Lâm Đồng, trở lại Đà Lạt thăm không gian xưa
Nhiều người biết đến tên tuổi của chuyên viên tóc Vinh Hairdress từ những năm 1982, hay ông chủ của bar hard rock đầu tiên tại thành phố nhiều hơn là một Phạm Trường Vinh say mê hard rock. Trong nhóm bạn, có người say mê sưu tầm đĩa nhạc, có người mê dàn âm thanh hi-end, ông Vinh chỉ mê các cung bậc âm thanh.
Ngồi ở tiệm làm tóc của ông giữa những ngày mưa tháng 6, những thành bại trong kinh doanh, sự thay đổi của con người, cuộc đời đã làm tín đồ nhạc rock này thay đổi khá nhiều. Ông Vinh nói: “Thời trai trẻ, khi đam mê mình có thể bỏ qua tất cả để đạt được điều mình mong muốn. Nhưng khi có gia đình, rock cũng phải nhường chỗ cho chuyện cơm áo gạo tiền, đầu tư cho con học hành…”. Không đến bar nghe nhạc, giờ ông chỉ đến với rock qua dàn âm thanh của mình. Thỉnh thoảng, những người bạn, người làm sách lại tìm đến ông để cùng chia sẻ kinh nghiệm về nhạc rock ở Sài Gòn mà ông là người đã đắm mình trong đó khá trọn vẹn.
Nhưng vui thay, ông cũng đã chiêu dụ được tín đồ mới: con trai ông giờ đây nghiền rock chẳng kém gì ông. Nhưng giỏi hơn cha, cậu mê nhạc, hiểu dòng nhạc và thuộc gần như nằm lòng lịch sử của rock và thay cha cập nhật những bài hát mới, diễn biến mới của dòng nhạc rock.
Bài viết bởi Mrs. Nga nhà báo về Vinh Phạm – “khoảng 2001”