Phía Sau Kỹ Xảo Trong War For The Planet Of The Apes

Từ những nghiên cứu về giả lập lông thú tương tác với tuyết cho đến cách ánh sáng tác động lên camera, Weta Digital đã đưa kỹ xảo đồ họa lên một đẳng cấp mới để khán giả sẽ tin rằng thứ họ đang xem là những con khỉ thật.

Khi Caesar ngồi trên lưng ngựa tập hợp binh đoàn của hắn, bạn sẽ nghĩ ngay đến một cuộc chiến kinh điển thời La Mã – có điều kẻ chỉ huy là một con khỉ. War for the Planet of the Apes, phần thứ ba trong loạt phim giả tưởng này đã mang đến một trong những kỹ xảo choáng ngợp nhất trong điện ảnh.

Đằng sau những con khỉ trông như thật là Weta Digital, một studio CGI hàng đầu có trụ sở tại Wellington, New Zealand, và được sáng lập bởi Peter Jackson nổi tiếng với công nghệ performance-capture (nắm bắt diễn xuất) từ loạt phim The Lord of the Rings.

Được ghi hình tại đỉnh núi tuyết ở Alberta và British Columbia, War for the Planet of the Apes của đạo diễn Matt Reeves cho thấy bầy khỉ đã tiến hóa nhanh chóng để làm sôi sục thế giới với nhiều chủng loại và sự điên loạn. Bộ phim được lèo lái bởi Andy Serkis trong vai Caesar, vai diễn mang đến sự nổi tiếng cho anh hơn hai vai khác là Gollum trong Lord of the Rings và King Kong.

“Trong phim này, Caesar đứng thẳng hơn và hắn dùng tay nhiều hơn, vì vậy hắn giống một con người dưới lớp da khỉ,” Serkis cho biết. “Nhưng khi trí tuệ và khả năng được tiến hóa, cảm giác và ký ức trở thành nỗi ám ảnh của hắn.”

Trong các phần phim trước, Serkis mặc một bộ đồ bó màu xám và các điểm định vị trên mặt để ghi lại từng chuyển động nhỏ nhất trong cử chỉ và cảm xúc của những con khỉ.

Diễn viên 53 tuổi, người được cho là xứng đáng nhận được một giải Oscar vì công việc mang tính tiên phong của anh, luôn cho thấy không có gì khác biệt giữa diễn với bộ trang phục motion-capture hay phục trang và make-up.

“Bạn không chỉ đứng đó và chờ phép màu được hậu kỳ thực hiện. Bạn không chỉ đại diện cho nhân vật, bạn phải là chính nhân vật đó trong đời thật,” anh nói trong chương trình behind-the-scene mới đây của Fox.

War for the Planet of the Apes nổi bật bởi hàng tá nhân vật khỉ chủ đạo tương tác với nhau một cách tinh tế hơn, không chỉ giữa các cá thể mà còn với môi trường xung quanh, bao gồm tuyết rơi.

E-kip sản xuất gồm 50 họa sỹ kỹ xảo, một nhóm 10 người vận hành camera và cả một đội quản lý dữ liệu, chuyên viên khảo sát và nhiếp ảnh gia thực hiện công việc scan 3D từng centimeter trên phim trường. Họ thực hiện hơn 1,400 cảnh kỹ xảo phức tạp, phát triển phần mềm để tăng mức độ chi tiết cho lông và giúp chúng tương tác với môi trường.

Một công cụ mới gọi là “Manuka physLight” được tạo ra nhằm mục đích xác định chính xác ánh sáng lọt vào camera và cách camera phản ứng với ánh sáng, từ đó đội ngũ sản xuất có thể chiếu sáng lên bầy khỉ đúng với cách mà một nhà làm phim sẽ làm trong thực tế ở phim trường.

Nhóm cũng nghiên cứu tuyết sẽ dính vào lông như thế nào, bết chúng lại ra sao, tan chảy và tương tác khi những con khỉ bước đi trong gió. Chỉ riêng Caesar đã có gần một triệu sợi lông.

“Nó trông rất thật,” Serkis nói. “Thật là một công nghệ tuyệt vời và tôi rất thích nó. Tôi muốn phá vỡ giới hạn để bộ phim trở nên kịch tính nhất trong từng phân cảnh.”

Andy Serkis (trái) cùng đạo diễn Matt Reeves.

Giám sát kỹ xảo của Weta Dan Lemmon, người gia nhập vào năm 2002 để thực hiện dự án The Lord of the Rings: The Two Towers, cho biết công nghệ đã được phát triển cực nhanh. “Các hệ thống giả lập lông, cách chúng tôi thiết kế ánh sáng chuyển động trong scene và các vật liệu khác, tất cả đã phát triển một cách hoàn chỉnh hơn,” anh nói.

Post Author: Luân Nguyễn