Tìm Hiểu Tác Động Của AI Vào Hiệu Quả Trong Sản Xuất Animation

Gần đây với phong trào AI đang ở khắp nơi, nổi dậy rần rần từ sau COVID với những ứng dụng thực tiễn, đi vào đời sống, không chỉ đem lại những điều tốt mà còn nhiều ảnh hưởng bất cập xáo trộn đời sống việc làm của nhiều lĩnh vực.

Về điều tốt thì các công cụ AI đều đem lại thế giới mở rộng to lớn từ tự động hóa, gần gũi hơn với cả những người không chuyên và cả không nghiệp vụ trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Nó cũng đồng thời giúp cho nhiều người trong xã hội trở nên đồng quan tâm một vấn đề chung, ví dụ: Chat GPT, tự động hóa với robotic, Machine Learning trong ứng dụng kinh tế, đời sống và “Kiếm Tiền” hay cụ thể nhất là nhóm thất nghiệp vì công nghệ tự động hóa, công nghệ cao.

Bật mí trước là kết luận: Xài AI ngay và luôn, ứng dụng vào quá trình sản xuất, sáng tạo, là nghệ nhân không có mất việc gì cả, là người có khả năng sáng tạo bạn hoàn toàn an tâm AI chính là chìa khóa cho thành công của cá nhân. Các tổ chức không đóng cửa vì AI mà còn mạnh mẽ hơn, chỉ có những khước từ cơ hội và bảo thủ trước làn sóng AI mới bị đào thải. Phong cách kiểu dịch vụ chép chữ giùm đi chửi máy photocopy là lấy mất việc của tôi vậy á.

Ông này chủ của hãng Nvidia sản xuất GPU ổng nói:”Không có con AI nào lấy mất việc của bạn hết, bạn mất việc vì không ứng dụng AI. Công ty bạn không đóng cửa vì AI mà đóng cửa vì có công ty khác đã dùng AI. Xài AI ngay và luôn đi !”

Luôn cần nhớ, AI và Robotic là 2 thứ song hành nhưng là 2 thực thể, AI là phần mềm và Robotic là đang nói về phần cứng, trên page của blog đã rất nhiều lần thấy các comment không phân biệt được, cứ nhìn thấy hình ảnh robot thì gọi là AI. Robot thì cái con lau nhà, lau kiếng thường thấy, chỉ tự động đi theo sensor và lòng vòng trong nhà, không có hành vi gì hết, là một vật thể thực tế, gọi là con robot. Nếu nó suy nghĩ được và nó tự lập trình, tự động hóa, tự suy luận có nghĩa là nay nó có trí tuệ do con người tạo ra từ những tập hợp dữ liệu (mà con người gọi là dataset hay “kinh nghiệm”), lúc này nó là con robot có bộ não trí tuệ nhân tạo (AI) – là gắn thêm phần mềm.

Đây là Robot của Trung Quốc, nền công nghiệp tự động hóa này gọi là Robotic.

Vậy Sử Dụng AI Là Sử Dụng Làm Sao

Ta nói tiếp, trong lĩnh vực VFX & Animation là bao gồm cả sản xuất phim điện ảnh, làm game cũng ảnh hưởng không hề nhỏ, ví dụ như những sự kiện sa thải, đóng cửa các studios lớn nhỏ cả phim và game dậy sóng kéo dài từ 2023 tới năm nay là 2025 chưa có dấu hiệu dừng lại. Như trường hợp tập đoàn Technicolor Group có trụ sở tại Pháp với cả trăm năm tuổi cùng hệ thống hàng loạt công ty con kỳ tài trong lĩnh vực điện ảnh, game đã tuyên bố phá sản, đóng cửa. Điều này cũng được chứng minh một phần có sự tác động của AI ngoài các lý do khác.

Blog đã đọc nhiều tư liệu và bài báo nghiên cứu nói về vấn đề ứng dụng tự động hóa, “smart” trong các phương thức sản xuất Animation, nhưng với thời gian gần đây, chữ AI được dùng nhiều hơn và người ta ứng dụng hẳn vào trong các công cụ đo lường, để cụ thể tìm hiểu xem lĩnh vực nào trong xuyên suốt quá trình đó sẽ ảnh hưởng nhiều nhất, và điều ảnh hưởng đó nó có thay đổi hay nó chỉ là kiểu “trend” nhất thời chứ hiệu quả mục đích ban đầu là không có.

Nhằm để cho các bạn trẻ hiểu và tìm hiểu thêm trong lĩnh vực Animation Production ngoài các học thuật về phần mềm, tính kỹ thuật vốn dĩ ở đâu cũng có thể dễ dàng đọc được và tự tìm hiểu; thì cái mảng quản trị sản xuất, mở rộng kết nối, ứng dụng và thay đổi cách nhìn nhận của cả một dự án, một chương trình lại là thứ ít được biết hoặc giữa Producer/Director ít khi nào chia sẻ với nhóm Artist/Tech – trừ phi nhóm này lên làm chủ dự án “project author”.

Đại loại là blog nhìn nhận vấn đề ở góc độ của người “đam mê trả lương” nên cần phải thấu đáo việc quản trị, xem trước sau các con số, tính toán chi tiêu tiết kiệm gia giảm giữa các năm, tài lực, vật lực và số nhân lực tài năng quan trọng làm cho dự án quang vinh, viên mãn.

Cùng Xem Xét Tài Liệu Làm Phim

Từ một tài liệu của Bắc Kinh phát hành vào 2023 phân tích vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất phim, nhấn mạnh cách AI hỗ trợ các công đoạn từ viết kịch bản, tiền sản xuất đến hậu sản xuất, đồng thời chỉ ra những hạn chế của AI về mặt cảm xúc và nghệ thuật. Tác giả đề xuất sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ thay vì thay thế hoàn toàn trí tuệ và cảm xúc của con người.

Thông qua tài liệu người tạo lập đã phân ra các lĩnh vực và kết luận:

  1. Viết Kịch Bản
    • Tăng tốc sáng tạo: AI giúp đẩy nhanh quá trình tạo dựng kịch bản, đưa ra nhiều ý tưởng và gợi ý sáng tạo.
    • Hỗ trợ phân tích: Công nghệ AI có khả năng phân tích nội dung để cung cấp các hướng cải tiến, giúp tối ưu hóa cấu trúc và mạch truyện.
    • Hạn chế cảm xúc: Dù hỗ trợ tốt về mặt kỹ thuật, AI gặp khó khăn trong việc thể hiện những nét cảm xúc tinh tế và chiều sâu tâm lý của nhân vật.
  2. Tiền Sản Xuất
    • Phân tích và lên kế hoạch: AI hỗ trợ phân tích kịch bản, dự toán ngân sách cũng như đưa ra các lựa chọn diễn viên và bối cảnh phù hợp.
    • Giảm thiểu sai sót: Việc sử dụng AI giúp tăng độ chính xác và hạn chế những sai sót trong khâu lập kế hoạch và tổ chức sản xuất.
    • Sự cần thiết của giám sát con người: Dù có thể tối ưu hóa các quá trình, AI vẫn đòi hỏi phải có sự giám sát của con người để đảm bảo tính sáng tạo và duy trì tầm nhìn nghệ thuật.
  3. Hậu Sản Xuất
    • Hiệu quả trong chỉnh sửa: AI được ứng dụng trong việc hỗ trợ chỉnh sửa, tạo hiệu ứng đặc biệt và quản lý nội dung, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
    • Hạn chế về nghệ thuật: Công nghệ hiện nay chưa thể truyền tải trọn vẹn câu chuyện và cảm xúc như khi mà con người trực tiếp tham gia vào khâu hậu sản xuất.
  4. Đề Xuất và Tầm Nhìn Tương Lai
    • Công cụ hỗ trợ: Tài liệu nhấn mạnh rằng AI nên được xem là công cụ hỗ trợ cho nghệ thuật làm phim, không phải là công cụ thay thế cho khả năng sáng tạo và cảm xúc của con người.
    • Hài hòa giữa công nghệ và nghệ thuật: Sự kết hợp giữa AI và trí tuệ, cảm xúc của con người sẽ tạo nên một sản phẩm phim tối ưu, vừa hiệu quả về mặt kỹ thuật vừa giàu giá trị nghệ thuật.
    • Định hình tương lai điện ảnh: AI dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất đồng thời bảo tồn những giá trị nghệ thuật tinh hoa.

Như vậy ta có thể thấy những vấn đề về cảm xúc, văn hóa là chắc chắn AI không thể thay thế được, đó là còn chưa nói về sắp xếp bố cục câu chuyện theo góc độ chiều sâu, cho đến nay AI chỉ là phương tiện, tự động hóa hơn chứ không thể thay thế vai trò sản xuất sáng tạo. Vì sao dùng chữ sản xuất ở đây, vì nó nói lên tính thương mại, vai trò ảnh hưởng đến một quá trình liên quan nhiều tổ chức, nhiều cá nhân tham gia với kỹ năng và có tài chính tham gia.

Đạo diễn James Cameron trả lời về AI ứng dụng trong viết kịch bản làm phim điện ảnh

Về vấn đề kể chuyện ngay cả trong vấn đề kinh tế, quản trị, chính trị đều liên quan. Đây là một kỹ năng luôn cần có cho mọi cá nhân, mọi lĩnh vực, thường được nghe nhiều góc độ khác nhau như kiểu: ăn nói lưu loát, có khả năng trình bày vấn đề. Có thể nói đó là phương pháp kể chuyện, nên hiểu nó. Đây là cách kể chuyện của Pixar blog đã từng đăng. Và trên các phương tiện đại chúng cũng từng được đưa vào trong lĩnh vực kinh doanh – không có AI nào thay thế được vụ này:

Với những thông tin như trên, xem ra là còn nhiều việc hơn chứ không ít việc đi tí nào vì những công cụ AI tham gia vào thế này còn phải xem AI có đúng hay không thì riêng khâu chất lượng đã cần phải có những người có chuyên môn cao thực hành kèm theo các hoạt động kiểm chứng xác thực mà cứ mỗi một giai đoạn lại có thêm một AI cộng tác, xem ra bộ máy còn phình to khổng lồ.

Vậy Lĩnh Vực Animation Thì Sao

Có một tài liệu trong loạt nghiên cứu gần đây về ứng dụng AI trong sản xuất của đại học tại Hàn Quốc Seoul đã sử dụng Mô Hình Phân Tích Đường Bao Dữ Liệu (DEA) theo dạng mạng lưới (chúng ta không đi sâu vấn đề này, giờ chỉ xét kết quả), để xem xét vấn đề hiệu quả của ứng dụng AI vào trong quá trình sản xuất AI.

Giải Quyết Vấn Đề: Nghiên cứu này khám phá tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hiệu quả sản xuất hoạt hình 3D thông qua Network Data Envelopment Analysis (NDEA). Mặc dù việc sử dụng AI trong việc tạo nội dung ngày càng gia tăng, tác động thực tế của nó đối với các giai đoạn sản xuất khác nhau vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu khảo sát mười dự án hoạt hình từ các lĩnh vực thương mại, giáo dục và giải trí, tập trung vào bốn giai đoạn chính: pre-production, asset creation, animation production và post-production.

Post-production tích hợp AI cho thấy hiệu quả cao nhất trong các quy trình tiêu chuẩn hóa thay vì các nhiệm vụ sáng tạo, với các dự án thương mại đạt điểm số hiệu quả cao nhất. Đây là lĩnh vực nhiều thay đổi nhất. Có thể thấy rất nhiều tổ chức, cá nhân dùng AI generative tạo hình, text to image, image to video, nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy những shot hình vô hồn, những câu chuyện đứt đoạn và không liên kết, đây là điểm sáng của quá trình sáng tạo, nôm na đùa vui kiểu “Mua bút chì Đức chữ vẽ vậy vẽ nữa cũng thế thôi !”

AI dễ dàng thay đổi bức vẽ này với những hình ảnh khác, nhưng thứ mà Anime đem lại luôn là tâm hồn, hoài niệm, cảm xúc, đọc vị và cùng chia sẻ với khán giả tình cảm, thứ mà AI luôn đi sau luôn không có

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc áp dụng AI thành công phụ thuộc vào sự tích hợp chiến lược và năng lực tổ chức hơn là chỉ đơn thuần triển khai công nghệ. Sự gia tăng hiệu quả tối ưu được quan sát khi việc sử dụng AI ở mức từ 30% đến 70%. Những phát hiện này gợi ý rằng các tổ chức nên tập trung vào việc triển khai AI theo từng giai đoạn, bắt đầu với các quy trình tiêu chuẩn hóa nhằm tối đa hóa hiệu quả.

Cứ tưởng tượng trước đây các lĩnh vực sản xuất Animation chỉ dành cho các công ty lớn, các nhóm sáng tạo dôi dư về tài chính, về nhân lực mới có thể kể những câu chuyện mang theo “visual stunning” “disrupting audio” thì nay nhờ có AI những cá nhân đơn lẽ, những Content Creator đều có thể trang bị cho mình vũ khí vượt trội đối đầu, cạnh tranh, hợp tác, chia sẻ về mức độ sáng tạo, kể chuyện.

Tóm tắt 20 điểm cốt lõi từ tài liệu

1. Tóm lược nội dung quan trọng

Bài nghiên cứu này đánh giá tác động của AI lên quy trình sản xuất phim hoạt hình 3D bằng cách sử dụng Network Data Envelopment Analysis (NDEA) để đo lường hiệu suất. Dưới đây là 20 điểm quan trọng:

I. Tổng quan về tác động của AI trong sản xuất phim hoạt hình

  1. AI giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất hoạt hình 3D, đặc biệt là trong các công đoạn tiêu chuẩn hóa như hậu kỳ (post-production).
  2. Mức độ hiệu quả của AI thay đổi theo từng giai đoạn sản xuất, với hậu kỳ đạt hiệu suất cao nhất (0.91275).
  3. Ứng dụng AI mạnh nhất ở các tác vụ có tính quy trình như tạo tài sản (asset creation) và tự động hóa chuyển động (motion synthesis).
  4. Dự án thương mại có hiệu suất ứng dụng AI cao nhất, đặc biệt là quảng cáo game và nội dung trên mạng xã hội.
  5. AI ít hiệu quả hơn ở các dự án giáo dục và giải trí, do mức độ sáng tạo cao cần nhiều yếu tố con người.

II. Phân tích từng giai đoạn sản xuất

  1. Giai đoạn tiền sản xuất (pre-production): AI hỗ trợ mạnh trong việc tạo storyboard, thiết kế concept và tự động hóa bố cục (layout automation).
  2. Giai đoạn tạo tài sản (asset creation): AI giúp tăng tốc tạo mô hình 3D (3D modeling), texturing và rigging, nhưng vẫn cần sự tinh chỉnh từ con người.
  3. Giai đoạn sản xuất hoạt hình (animation production): AI gặp nhiều thách thức do cần sự kiểm soát chặt chẽ về diễn xuất nhân vật.
  4. Giai đoạn hậu kỳ (post-production): AI giúp tăng tốc rendering, compositing, color correction, giảm thời gian xử lý xuống mức tối ưu.

III. Ứng dụng AI trong thực tế

  1. Các công cụ AI phổ biến gồm Stable Diffusion, Midjourney (concept art), DeepMotion (motion synthesis), và NVIDIA AI rendering.
  2. Các studio lớn có xu hướng phát triển AI nội bộ, ví dụ như NetEase’s Sunshine Flow – hệ thống AI workflow riêng giúp tối ưu hóa quy trình.
  3. Dự án có hiệu suất AI cao nhất (0.85175) là quảng cáo game, do tính lặp lại cao và nhu cầu sản xuất nhanh.
  4. Dự án có hiệu suất AI thấp nhất (0.19612) là anime series, do yếu tố sáng tạo cao không thể thay thế bằng AI hoàn toàn.

IV. Đánh giá mức độ hiệu quả của AI

  1. Mức AI tối ưu cho hiệu suất cao nhất nằm trong khoảng 30-70%, nếu vượt quá 70% có thể làm giảm kiểm soát sáng tạo.
  2. Dự án có AI thấp (dưới 30%) không tận dụng được lợi thế của công nghệ, ví dụ như phim hoạt hình trung bình (0.23698).
  3. Tự động hóa AI hiệu quả nhất khi kết hợp với con người thay vì thay thế hoàn toàn, nhất là ở giai đoạn sáng tạo như tiền sản xuất.

Nhìn qua tài liệu có thể thấy rằng quá trình sản xuất mà thiên về kỹ thuật, lặp lại, có bộ máy, có quy trình chắc chắn sẽ có AI tham gia, nhiều công việc thủ công sẽ bị thay thế vì đó là những công việc trước đây thường hay bị gọi là “no name”.

Đó cũng là điểm sáng để thấy rõ rằng việc nhờ có AI giờ đây một cá nhân vừa có thể sáng tạo vừa kết hợp kỹ thuật trước đây cần nhiều người làm mà giờ chỉ một mình có thể làm hết, chưa tính đến quan điểm về: thời gian, chất lượng và mức độ sáng tạo. Nhưng túm lại có thể thấy rằng những mô hình cồng kềnh chắc chắn bị đào thải, thay thế.

Không một nghệ nhân, người có khả năng thực sự thể hiện tính sáng tạo lại ngại AI, tất cả chỉ thấy AI vĩ đại hơn cho họ trong quá trình phát triển và tìm tòi sáng tạo, cứ như trước đây vẽ tay thì giờ vẽ máy mai mốt là vẽ AI chứ ko phải là AI vẽ giùm, cũng giống như nghĩ rằng máy vẽ giùm là điều nực cười.

Lão nghệ sỹ bảo còn lâu mới ngại AI, với những gì cho đến nay thấy thì họ còn phải cần lão hơn

Những bộ phim như Klaus về mặt kỹ thuật có thể dễ dàng bị thay thế nhưng về cảm xúc, về cảm giác của “visual stunning” nếu không có bàn tay sáng tạo, khối óc tư tưởng của con người nghệ nhân, tôi không thấy AI nào làm ra được một tác phẩm tương tự, AI sẽ giúp cho những nghệ nhân phóng tác khai sáng hơn nữa trong cuộc cách mạng thể hiện của mình, cho đến nay AI chỉ có thể copy lại, việc tạo mới là không thể – và nếu một studios họ chỉ tạo mới cái cho AI copy lại in-house của họ, thì bản thân tác phẩm đó nó original từ lúc được phát hành, cũng chẳng khác gì hiện nay – tôi đồng ý quan điểm “giá rẽ”

Cho đến nay thì dữ liệu của các thị trường như hãng phim từ Hollywood hay các hãng phim Châu Âu rồi Trung Quốc còn có dữ liệu để AI thu hoạch mà có các tài liệu này, thị trường Đông Nam Á bé nhỏ mà ngay cả thị trường Ấn Độ cũng không đủ dữ liệu để so sánh, rốt cho cùng vẫn là những thị trường mới nổi không thể tránh việc đi theo là chấp nhận trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhưng việc ứng dụng AI sẽ giúp các nhà sáng tạo bùng nổ hơn, tiếp cận được những công việc ứng dụng vào sáng tạo “kinh thiên động địa” hơn một cách dễ dàng, những cách trước đây chỉ thấy trên màn ảnh lớn, các tựa game AAA.

Nhưng vẫn nhìn nhận thế này, một cá nhân đơn lẽ đã có thể sử dụng những công cụ này với suy nghĩ làm được mọi thứ, dễ dàng hơn, theo góc độ tổ chức là “rẽ tiền” hơn. Vậy không lẽ những con người đó gom lại với nhau, trở thành một tổ chức lớn hơn, họ lại kém hơn ? Không thể tin được vào những năm sau này nhình những tác phẩm siêu hùng của các tổ chức sẽ còn khơi nguồn sáng tạo, khơi nguồn cảm hứng khủng như thế nào.

Biết nhiều bạn không hứng đọc dài, blog ghi luôn ở đây kết luận để kéo xuống có coi luôn:

  • AI không lấy mất việc mà còn tạo ra nhiều việc hơn vì AI bản thân đã vượt qua cấp thấp ở mức độ chuyên môn nên giờ cần phải có chuyên gia quản lý
  • Công ty hay cá nhân không mất việc vì AI mà chỉ vì có người khác, tổ chức khác đã dùng AI hiệu quả
  • Trong các quá trình sản xuất của phim, của animation và video games: vai trò của AI sẽ hoàn toàn thay đổi thuyết phục mọi quá trình lặp đi lặp lại – tức có tính quy trình
  • AI không thể thay đổi những thứ thuộc về chuyên biệt và chiều sâu, ví dụ như nghĩ ra một qui trình chỗ nào ứng dụng AI phù hợp chỗ nào chưa -> cái này thua. Hoặc một cá nhân biết cái nào nên dùng AI để vẽ, chọn phong cách nào, công cụ gì.
  • Kể chuyện -> AI thua, chỉ làm được công tác kỹ thuật, cấu trúc, tổ chức bố cục giàn dựng, Còn làm cho ai khóc thì người ta chỉ khóc vì mắc cười quá khi coi
  • Những ai nghĩ rằng AI giúp mình làm được cá nhân dữ dội hơn 1 tổ chức nhờ AI thì chắc nhầm, vì nếu 1 cá nhân dùng AI được thì 1 tổ chức dùng AI còn khủng khiếp hơn.

Trước mắt chỉ ngại là ko sáng tạo kịp chứ cơ hội rất nhiều.

Link tới các ví dụ cụ thể về ứng dụng AI trong sản xuất Animation

Post Author: Vu Pham