22 Qui Tắc Của Pixar: Qui Tắc 5

Đây là điều khó khăn nhất đối với hầu hết những nhà văn, nhà viết kịch, bởi vì đơn giản hóa luôn luôn có nghĩa cắt bớt những thứ tốt cũng như những thứ xấu.

Việc cắt bớt đi cũng tương tự như việc “giết đi người mình yêu” đối với các nhà văn vậy – lối suy nghĩ này được ghi lại kể cả trước khi Faulkner nói lên điều đó (Ít nhất là thời của Arthur Quiller-Couch).

Nhưng thực sự khi bạn có thể cắt bớt các cảnh, nhân vật không cần thiết đó, bạn sẽ giúp khán giả nhìn thấy rõ ràng ý tưởng cốt lõi chính mà bạn muốn truyền tải. Và đôi khi bạn thật sự cần phải cắt những đoạn mà bạn cho là tuyệt nhất để chắc chắn là câu chuyện của bạn đi đúng hướng.
Các cảnh quay tốt có thể hoạt động độc lập, nên đừng cho thêm nhiều thông tin sẽ gây rối loạn nhịp điệu của cốt truyện, nếu không sẽ chỉ làm cho bạn khó khăn hơn.

Các nhân vật cần kết hợp thì nên kết hợp. Nếu hai nhân vật phản ánh nhân cách tương tự với tính cách của nhân vật chính thì chúng ta chỉ nên để lại một nhân vật mà thôi.

Kịch bản phim cần sự ngắn ngọn. Mỗi cảnh quay mới và mỗi nhân vật mới cần cho khán giả những thông tin và cách nhìn khác nhau. Sự lặp lại thường không gây ấn tượng tốt trong việc viết kịch bản, tuy việc thêm vào các yếu tố này có thể giúp làm giãn mạch truyện nhưng khán giả sẽ nhận thấy rằng chả có gì thay đổi và họ sẽ mất hứng thú (kể cả tất cả các cảnh quay đều là các màn hành động mãn nhãn.)

Vì vậy, trừ trường hợp các cảnh này giúp cho câu chuyện tiếp tục tiến về phía trước, nếu không thì chúng cần bị lượt bỏ. (Chú ý là tôi nói là cả câu chuyện, chứ không phải chỉ là cốt truyện. Các cảnh quay tình cảm làm “trì hoãn” cốt truyện có thể rất quan trọng đối với một số thể loại truyện nhất định với mạch truyện nhất định.)

Đôi khi có vài câu chuyện chỉ cần một nhân vật độc thoại trong một căn phòng trống là đủ.

Frozen 2

Thế nhưng bạn cũng cần phải cẩn thận với việc đơn giản hoá. Nếu bạn tập trung quá nhiều vào việc thể hiện cảm xúc vào một kịch bản thì nó có thể khiến bạn bỏ qua các xung đột, các đoạn cao trào và bỏ luôn các phần hỗ trợ cốt truyện khác cho đến khi bạn có một câu chuyện thiếu đi chiều sâu. Nhịp điệu và giọng điệu có thể bị ảnh hưởng rất lớn từ việc bị cắt bỏ quá nhiều.

Một câu chuyện mà có quá nhiều pha hành động và nhiều thông tin mới mà không hề quan tâm đến những gì đã xảy ra có thể khiến khán giả của bạn quá tải và hoang mang. Nhưng nếu cắt đi quá nhiều thì lại gây ra nhàm chán.

Sự đơn giản hoá có nghĩa là phân tách những đoạn quan trọng của câu chuyện khỏi những phần thừa không cần thiết. Và vì mỗi câu chuyện đều khác nhau, nó phụ thuộc vào việc người viết nghĩ cái gì là quan trọng. Việc giữ cân bằng đó là trách nhiệm lớn của một người kể chuyện, sẽ chẳng có “đường tắt” nào để làm điều đó ngoài việc bạn thử mọi cách cho đến khi nó thành công thì thôi.

Cho dù chúng ta có các phong cách và thể loại truyện khác nhau, vẫn có một số cách khách quan mà tự người viết kịch bản có thể tự đánh giá được. Đó chính là bạn phải hiểu được chủ đề của mình, nhân vật chủ thể, và kết thúc để bạn có thể xác định được bạn nên cắt bớt các cảnh nào khi nó không cho thêm bất cứ thông tin gì mới, hay bất cứ thứ gì hay nhân vật gì mà không tạo thêm khía cạnh nào khác cho câu chuyện.

Bạn cũng nên rõ ràng về nhịp điệu và giọng văn của mình. Ví dụ, thiết lập một bối cảnh có sự xung đột lâu dài và trình tự diễn biến có thể chính xác là những gì bạn cần trong một câu chuyện tình lịch sử, nhưng nó chắc chắn không phải là những gì bạn muốn trong một câu chuyện sôi động tràn đầy kịch tính.

Các vấn đề thường thấy ở đây chính là sự nhầm lẫn của bạn về các yếu tố quan trọng trong câu chuyện của mình, ví dụ như là chủ đề hay giọng văn. Bạn không thể đi đường tắt trừ khi bạn thực sự biết là bạn đang đi đâu, nếu không bạn có thể đang cắt đi những đoạn quan trọng trong khi bạn nghĩ nó không cần thiết.

Đó chính là sự tự chuốt lấy thất bại và làm mất thời gian của chính mình để đơn giản hoá câu chuyện nếu như bạn không rõ ràng về bất cứ thứ gì cả. Một bản phác thảo không có gì đáng để xấu hổ cả, vì đó chính là cái mà bạn cần để có thể biết mình nên đơn giản hoá như thế nào. Khi bạn biết mình cần gì, hãy bắt đầu viết lại câu chuyện của mình.

Thách thức của bạn khi là một nhà văn là phải chắc rằng câu chuyện này phải liên quan và liên kết với nhau, từ cốt truyện, nhân vật đến các bối cảnh xung quanh. Vì vậy, để làm cho quy tắc số 5 hữu dụng hơn, tôi sẽ thêm vào một yêu cầu nữa cho những cảnh quay và nhân vật cần loại bỏ:
Nếu một cảnh quay hoặc nhân vật không cung cấp thông tin mới hoặc một góc nhìn thú vị về một cái gì đó có liên quan đến chủ đề, cốt truyện, nhân vật hoặc yếu tố khác trong câu chuyện của bạn? Cắt bỏ nó

Bài phân tích 22 nguyên tắc kể chuyện của Pixar (ebook) của Stephan Vladimir Bugaj. Stephan là đạo diễn phim ở Pixar (12 năm kinh nghiệm), đạo diễn The Walking Dead, Game of Thrones và nhiều phim khác.
22 nguyên tắc ban đầu là các tweets của Emma Coats, và Stephan là đồng nghiệp của Emma ở Pixar.
Dịch: Văn (vanmvo77@gmail.com), nếu bạn nào có nhu cầu dịch Anh-Việt, Việt-Anh thì liên hệ nhé 😉
Kiểm tra & chịu trách nhiệm: Truong Cg Artist
Bài dịch được sự cho phép của tác giả.

Post Author: Tu Vo